Theo UNDP, tài chính cho rủi ro thiên tai vẫn còn là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, nhưng cơ hội của loại hình bảo hiểm này là rất rộng mở.
Khi sa mạc… ngập lụt
Trung tuần tháng 4/2024, Dubai – một đất nước có địa hình chủ yếu là sa mạc – đã phải hứng chịu lượng mưa lớn lên tới 254 mm, tương đương mức trung bình trong hai năm, cũng là trận mưa lớn nhất trong 75 năm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – nơi mà Dubai là 1 trong 7 tiểu vương quốc. Do nhiều khu vực tại Dubai vẫn chìm trong biển nước khiến việc thống kê thiệt hại tài sản mà bảo hiểm phải bồi thường gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo nguồn tin của chuyên trang Insurance Insider, ước tính sơ bộ các công ty bảo hiểm có thể phải đền bù vài trăm triệu USD, thậm chí lên đến cả tỷ USD.
Đối với sự kiện thiên tai bất thường tại đây, các khoản bồi thường nhiều nhất được chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho biết sẽ là các khoản bồi thường dành cho các khách hàng bất động sản thương mại, do Dubai tập trung nhiều khách sạn hạng sang, trung tâm mua sắm và giải trí xa hoa. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể sẽ nhận được các yêu cầu bồi thường gián đoạn kinh doanh (business interruption claim), các tổn thất do ngập lụt, trì hoãn chuyến bay… Hiện tại, sân bay quốc tế Dubai vẫn chưa thống kê được hết tổn thất.
Tại Dubai, có 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất là Orient Insurance, Abu Dhabi National Insurance Company và Sukoon, mỗi đơn vị đang nắm giữ tổng giá trị hợp đồng bảo hiểm đã bán trên 1 tỷ USD. Theo Insurance Insider, hầu hết doanh nghiệp tại quốc gia Trung Đông này đều mua tái bảo hiểm từ các nhà cung cấp đến từ Mỹ và châu Âu…
Trong báo cáo với tiêu đề “Thảm họa thiên nhiên năm 2023: Chuẩn bị cho những rủi ro thời tiết hôm nay và ngày mai”, Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Swiss Re nhận định, sau các cơn bão nhiệt đới, các cơn bão đối lưu đang trở thành mối nguy hiểm gây thiệt hại lớn thứ hai. Cũng như các mối nguy hiểm khác, mức độ rủi ro gia tăng do tăng trưởng kinh tế và dân số cũng như đô thị hóa là những nguyên nhân chính khiến tổn thất của các cơn bão đối lưu cao hơn. Swiss Re cũng cho hay, trong các cơn bão đối lưu thì mưa đá là nguyên nhân chính gây ra tổn thất được bảo hiểm, chiếm khoảng 50-80% mỗi năm.
Theo Swiss Re, tổn thất được bảo hiểm toàn cầu cho thiên tai vào năm 2023 đã vượt quá 100 tỷ USD trong năm thứ tư liên tiếp – xác lập một kỷ lục mới về tổn thất thảm họa thiên nhiên. Không chỉ vậy, một vài con số kỷ lục khác trong năm qua có thể kể đến là số lượng thảm họa được bảo hiểm chạm mức 142 thảm họa và mức giá bảo hiểm các cơn bão đối lưu nghiêm trọng (SCS) lần đầu tiên đạt 64 tỷ USD.
Báo cáo của Swiss Re cũng nhấn mạnh tổn thất được bảo hiểm toàn cầu do thiên tai gây ra đã vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua. Cụ thể, từ năm 1994 đến năm 2023, tổn thất được bảo hiểm do thiên tai được điều chỉnh theo lạm phát trung bình là 5,9%/năm, trong khi GDP toàn cầu chỉ tăng 2,7%/năm.
Bảo hiểm rủi ro thiên tai ở Việt Nam: Cơ hội rộng mở
Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Swiss Re đưa ra dự báo, tổn thất được bảo hiểm hàng năm sẽ tăng 5-7% trong thời gian dài, phù hợp với mức tăng tổn thất thực tế trong 30 năm qua. Tác động từ thời tiết khắc nghiệt và các sự kiện khác có thể tăng lên và Swiss Re ước tính, tổn thất được bảo hiểm ngày nay có thể tăng gấp đôi sau 10 năm.
Trong một nhận định liên quan đến thiên tai, Ủy ban Liên quốc gia về biến đổi khí hậu (IPPC) cho rằng, chúng ta có rất ít cơ hội để khống chế nhiệt độ trái đất nóng lên dưới 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Với mức nóng lên này thì thiên tai cực đoan sẽ gia tăng so với thời điểm hiện tại. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản có nhiều hạn hán và lũ lụt hơn trong thập kỷ tới.
Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo, hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và sẽ còn duy trì đến hết tháng 4/2024 với xác suất trên 90%. Sau khi El Nino suy yếu, sẽ có khoảng 60% xác suất chuyển sang hiện tượng La Nina vào cuối năm 2024. Theo đó, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể hoạt động tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão năm nay. Đồng thời, bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể hình thành nhiều hơn, dự báo có từ 11-13 cơn. Năm 2024 được dự báo tổng lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Cảnh báo cao điểm khô hạn, nguy cơ thiếu nước trong nửa đầu năm và chỉ cải thiện khi có mưa vào cuối tháng 5/2024. Trong đó, nguy cơ thiếu nước tập trung ở cả khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, trên cả nước xuất hiện 1.145 trận thiên tai (21/22 loại hình). Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như sạt lở đất; mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét; 3 đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung… Tổng cộng, trong năm qua, thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.
Các thiệt hại về kinh tế do thiên tai cũng sẽ khiến thị trường bảo hiểm ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro hơn và điều này gây sức ép lớn hơn lên các hoạt động quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý.
Tại Việt Nam, về cơ bản, các loại tài sản có giá trị lớn đều đã được tái bảo hiểm nên tỷ lệ bồi thường của nhà bảo hiểm đối với những tài sản này khi gặp rủi ro thiên tai đã giảm đáng kể. Trong khi đó, với bảo hiểm tài sản, các công ty bảo hiểm Việt Nam chỉ cấp bảo hiểm theo các điều kiện, điều khoản mà nhà tái đưa ra (fronting), sau đó phí bảo hiểm sẽ được tái hết. Chỉ các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ thường được giữ lại toàn bộ, nên nếu có lo lắng về tỷ lệ bồi thường gia tăng thì đây mới là nghiệp vụ cần lưu tâm, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới – nghiệp vụ bảo hiểm trong bối cảnh bình thường cũng luôn có tỷ lệ bồi thường rất cao trên dưới 50%…
Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho khoản lợi nhuận bị mất do doanh thu sụt giảm và phần chi phí phát sinh thêm khi hoạt động kinh doanh bị dừng hoặc ngưng trệ theo sau các tổn thất của tài sản được bảo hiểm cũng là nghiệp vụ bị ảnh hưởng khi rủi ro thiên tai ập đến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, loại hình bảo hiểm này chưa được các doanh nghiệp thực sự chú trọng nên dù có rủi ro thiên tai xảy ra thì nhà bảo hiểm cũng không chịu tổn thất lớn.
Với mục tiêu giảm bồi thường, gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững, các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn những nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hải… Tuy nhiên, đối mặt với thiên tai bất thường, mọi đánh giá sẽ chỉ là tương đối. Báo cáo của Swiss Re cho biết, mức độ rủi ro tăng lên cũng có xu hướng tập trung vào các khu vực có nguy cơ thảm họa cao hơn như đồng bằng hoặc bờ biển và một số yếu tố cho thấy tổn thất sẽ tiếp tục gia tăng: Rủi ro tài sản tiếp tục tăng, đặc biệt ở những khu vực đã tập trung giá trị cao…
Trong một động thái khác, các thiệt hại và tổn thất do thiên tai hầu hết không được bảo hiểm như một hình thức bảo vệ và kết quả là chi phí y tế cũng như thiệt hại về kinh tế do tổn thất tài sản, sinh kế và sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Chính vì thế, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đầu tiên được lựa chọn tham gia vào sáng kiến toàn cầu mới của Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) về bảo hiểm và rủi ro quỹ tài chính.
Theo UNDP, tài chính cho rủi ro thiên tai vẫn còn là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, nhưng cơ hội của loại hình bảo hiểm này là rất rộng mở. Hiện còn có một khoảng cách rất lớn về khả năng bảo vệ trước các rủi ro ở các nước đang phát triển (bao gồm cả Việt Nam), nơi có ít hơn 5% thiệt hại do thiên tai được bảo hiểm.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn