(ĐTCK) Dù có những điều chỉnh linh hoạt hơn để phù hợp với mặt bằng lãi suất thấp hiện tại, nhưng tiền gửi và trái phiếu vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ để đảm bảo an toàn nguồn vốn.
Theo tài liệu đại hội cổ đông mới công bố, năm 2024, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tiếp tục phân bổ danh mục đầu tư chủ yếu vào các tài sản hưởng lãi suất cố định như tiền gửi tổ chức tín dụng, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, không đầu tư vào các loại hình tài sản tiềm ẩn rủi ro như cổ phiếu, bất động sản… Ngoài ra, PTI cũng định hướng giảm bớt tỷ trọng tiền gửi và gia tăng tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm thấp như hiện nay.
Được biết, năm 2023, danh mục đầu tư của PTI tập trung vào các tài sản thanh khoản cao là tiền gửi và trái phiếu – chiếm tỷ trọng trên 90% tổng danh mục. Mặc dù tổng nguồn vốn đầu tư giảm, nhưng doanh thu hoạt động tài chính của PTI vẫn đạt 460,29 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022 và cao nhất trong 5 năm gần đây, trong đó các khoản mục đầu tư có sự biến động doanh thu đáng kể gồm lãi tiền gửi có kỳ hạn đạt 312,967 tỷ đồng, tăng 36,2% và lãi đầu tư trái phiếu đạt 135,53 tỷ đồng, tăng 73,7%. Trong năm qua, PTI không phân bổ danh mục đầu tư vào cổ phiếu do nhận định thị trường chứng khoán còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), với mục tiêu tập trung gia tăng chất lượng dịch vụ, giảm thiểu các rủi ro, kiểm soát công nợ và chi phí, đảm bảo đạt hiệu quả, không chạy theo doanh thu bằng mọi giá, Ban lãnh đạo Bảo Minh đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng với tổng doanh thu năm 2024 là 6.800 tỷ đồng (tăng trưởng 2,56%), trong đó doanh thu bảo hiểm gốc là 5.824,5 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm là 662,5 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính và kinh doanh bất động sản đầu tư là 313 tỷ đồng (thấp hơn so với thực hiện năm 2023 là hơn 425 tỷ đồng).
Còn tại Bảo hiểm BIDV (BIC), lãnh đạo nhà bảo hiểm này cho biết, năm 2023 so với các năm trước có nhiều biến động, đặc biệt trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp phi nhân thọ nói chung và BIC nói riêng. Trong năm qua, tỷ trọng đầu tư tiền gửi của BIC là xấp xỉ 80% danh mục đầu tư, tỷ trọng đầu tư trái phiếu và cổ phiếu không cao.
Cũng theo vị này, năm 2024, định hướng đầu tư của BIC là tiếp tục tập trung vào tiền gửi do đang thúc đẩy bán chéo bảo hiểm qua các ngân hàng và điều kiện là BIC phải đầu tư tiền gửi tại các ngân hàng đó.
“Năm 2024, do yêu cầu của Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng phải tập trung hỗ trợ hoạt động của nền kinh tế, lãi suất cho vay phải phù hợp với môi trường doanh nghiệp… nên lãi suất tiền gửi được dự báo tiếp tục duy trì ở vùng thấp. Do dó, BIC sẽ xem xét gia tăng đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, nhưng vẫn duy trì tỷ trọng đầu tư tiền gửi ở mức cao để đảm bảo an toàn vốn cũng như hỗ trợ hoạt động bán chéo bảo hiểm qua các ngân hàng”, vị này nói và cho biết thêm, lợi nhuận tiền gửi và trái phiếu của BIC tăng lần lượt 58% và 5% trong năm 2023 nhờ mặt bằng lãi suất huy động tăng vào cuối năm 2022.
Là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, nên dù dòng tiền được phân bổ vào đâu thì các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải luôn đảm bảo các nguyên tắc: Tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư của công ty bảo hiểm phi nhân thọ; đảm bảo tính an toàn, tính thanh khoản và sự linh hoạt trong hoạt động đầu tư; đảm bảo mục tiêu phát triển dài hạn, tối ưu hóa dòng tiền và lợi ích của cổ đông…
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn